Trách nhiệm chứng minh trong vụ án hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam

Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự bao gồm những sự kiện và tình tiết khác nhau, mà mỗi sự kiện, tình tiết nói riêng và tổng thể của chúng nói chung, đều phải được nghiên cứu, làm sáng tỏ một cách khách quan đầy đủ toàn diện và chính xác. Nội dung chủ yếu của đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự trước hết là cấu thành tội phạm. Chính cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự xác định ranh giới những sự kiện, tình tiết chủ yếu phải chứng minh của vụ án hình sự.

Trong khoa học luật hình sự, cấu thành tội phạm được coi là khái niệm pháp lý của một loại tội phạm, là tổng hợp những dấu hiệu đặc trưng cho một loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Những dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm là những dấu hiệu phản ánh nội dung bốn yếu tố của tội phạm, nhưng không phải tất cả những dấu hiệu đó đều được đưa vào cấu thành tội phạm. Có những dấu hiệu bắt buộc phải có trong tất cả các cấu thành tội phạm; có những dấu hiệu có trong cấu thành tội phạm của tội này, nhưng lại không có trong cấu thành tội phạm của tội khác
Những dấu hiệu bắt buộc phải có trong tất cả các cấu thành tội phạm cũng là những vấn đề phải chứng minh trong bất kỳ vụ án hình sự:
- Dấu hiệu hành vi thuộc yếu tố mặt khách quan của tội phạm.
- Dấu hiệu lỗi thuộc yếu tố mặt chủ quan của tội phạm.
- Dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi thuộc yếu tố chủ thể của tội phạm.

Ngoài những dấu hiệu bắt buộc phải có trong tất cả các cấu thành tội phạm nói trên, những dấu hiệu khác tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của tất cả các cấu thành tội phạm, nhưng có thể là những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm cụ thể, vì vậy chúng có thể là những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự.
Ngoài cấu thành tội phạm, trên cơ sở, căn cứ để quyết định hình phạt được quy định trong luật hình sự Việt Nam, những vấn đề phải phải chứng minh trong vụ án hình sự còn có: Những tình tiết về tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm; những tình tiết về nhân thân người phạm tội và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, khi xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã được thực hiện, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chứng minh:
- Có hành vi (hành động hay không hành động) nguy hiểm cho xã hội xảy ra hay không?
- Tội phạm được thực hiện dưới hình thức gì (một người, nhiều người thực hiện nhưng không có đồng phạm, đồng phạm hay phạm tội có tổ chức)?
- Hình thức lỗi, mức độ lỗi, mục đích, động cơ phạm tội…?
- Giai đoạn thực hiện tội phạm: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay tội phạm hoàn thành?
- Thủ đoạn thực hiện tội phạm, hoàn cảnh, địa điểm, thời gian thực hiện tội phạm?
- Tính chất, mức độ hậu quả nguy hiểm cho xã hội do tội phạm gây ra?
Những vấn đề phải chứng minh nói trên tương tự như công thức bảy điểm của luật La Mã cổ đại: Ai, cái gì, ở đâu, bằng cách nào, vì sao, thế nào, bao nhiêu (Qui, quod, ubi, quibus, auxilis, cur, quonodo, quando)
Khi xem xét nhân thân người phạm tội, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án phải chứng minh:
- Những đặc điểm nhân thân người phạm tội có ảnh hưởng trực tiếp đến tội phạm (những đặc điểm mang tính chất pháp lý) như phạm tội lần đầu hay đã có tiền án, tái phạm thường hay tái phạm nguy hiểm, có tính chất chuyên nghiệp hay không; là người thành niên hay chưa thành niên; có thái độ tự thú hoặc hối cải, lập công chuộc tội hay là ngoan cố không chịu cải tạo…?
- Những đặc điểm nhân thân khác tuy không mang tính chất pháp lý, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến hành vi phạm tội như thành phần, quá trình hoạt động chính trị - xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp; người phạm tội thuộc dân tộc ít người, thuộc gia đình liệt sĩ; là nhân sĩ, trí thức có tên tuổi; là chức sắc tôn giáo…?
Những đặc điểm phản ánh hoàn cảnh thực tế của người phạm tội như là người già yếu, bị bệnh hiểm nghèo; là phụ nữ có thai; có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản thân hay của gia đình…?
Ngoài hai nhóm các vấn đề phải chứng minh nói trên, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải cân nhắc đồng thời cả hai loại tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Mời các bạn đọc thêm bài viết “Trách nhiệm chứng minh trong vụ án hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam”
Tác giả: Nguyễn Thị Châm
Title: 


Trách nhiệm chứng minh trong vụ án hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam
Authors: Nguyễn, Thị Châm
Keywords: Luật hình sự
Trách nhiệm chứng minh
Luật và pháp chế
Việt Nam
Issue Date: 2017
Publisher: H: Đại học Quốc gia Hà Nội
Description: 99 tr.
URI: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/33184
Appears in Collections:Luận văn - Luận án (LIC)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bảo tồn di sản văn hóa qua ba lần tu bổ di hài các vị thiền sư ở Chùa Đậu (Hà Tây), Chùa Phật Tích và Chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh

Chu kỳ trầm tích

English intonation: errors made by third year students at English department, Chu Van An University = Ngữ điệu tiếng Anh: các lỗi thường gặp của sinh viên năm thứ 3, Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Chu Văn An. M.A Thesis Linguistics: 60 22 15